Sẽ mãi không quên "Vòng tròn bất tử" !

          Với những người lính chúng tôi, được trở thành chiến sĩ Trường Sa là hãnh diện to lớn nhưng càng vinh dự hơn khi canh gác tại Len Đao – một trong 3 nơi mà ngày 14/3/1988 xảy ra cuộc hải chiến Trường Sa đau thương đi vào lịch sử. Năm nào cũng vậy, khi ngày tưởng niệm gần kề, thì cảm xúc ùa về càng ngày càng dữ dội trong anh em lính đảo.

          Vùng biển Len Đao này rất đặc biệt, cứ gần đến ngày tưởng niệm sự kiện đau thương của dân tộc Việt Nam là đất trời thay đổi không khí, như một cái điềm gợi nhớ chuyện xưa. Còn 2 ngày nữa là đến ngày 14/3, nhưng ngày hôm nay sóng gió không còn hiền hòa; gió không còn thổi nhẹ như những ngày trước. Mà gió thổi rất mạnh làm cho các thùng chứa nước trên đảo chìm lắc lư theo từng cơn gió thổi. Anh em lính gác chúng tôi rỉ tai nhau nói, gần đến ngày tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh, gần đến ngày tưởng niệm hải chiến Trường Sa nên các anh linh thiêng như thế.

Thiếu úy Trần Văn Phương đã anh dũng ôm chặt lá cờ tổ quốc trước họng súng quân xâm lược
          Nói đùa với nhau vậy thôi chứ làm sao mà anh em chúng tôi quên được cái ngày khốc liệt lính Trung Quốc đổ bộ dày đặc lên đảo với súng ống gắn lưỡi lê sáng quắc cố tràn vào vòng tròn chiến sĩ Việt Nam. Lính Trung Quốc cố giật và hạ cờ Việt Nam. Còn chiến sĩ công binh Việt Nam trên tay chủ yếu chỉ có xà beng, cuốc xẻng, vật liệu xây dựng vẫn quyết tử giữ bằng được lá cờ. Mấy lần lính Trung Quốc cố tràn vào đều bị bật ra. Đến khi chúng nhả đạn mới áp sát được vào chỗ thiếu úy Phương đang giữ chặt ngọn cờ. Anh Lanh lúc này cũng đã lao vào sát cánh cùng đồng đội Phương. Hai bên giành giật ngọn cờ. Bất ngờ lính Trung Quốc nổ súng thẳng vào đầu thiếu úy Phương. Anh ngã xuống nhưng vẫn ôm chặt lá cờ loang máu.

Các chiến sĩ lội nước tiễn khách về đất liền nhìn mà cảm động
          Chúng tôi càng không thể nào quên, lời nói nghẹn ngào trong nước mắt mà ông Lê Văn Xuân (bố liệt sĩ Lê Văn Xanh, Đà Nẵng) kể: “Đứng dưới loa phóng thanh, nghe tin con hy sinh, tôi đã chết lặng. Về nhà, tôi lấy hết can đảm nói với vợ con: Xanh đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình quyết giữ chủ quyền, đó là niềm tự hào của gia đình mình. Tôi nói mà nước mắt tôi chảy dài trên gương mặt”. Tự hỏi lòng, trên đất nước Việt Nam, còn biết bao người cha, người mẹ đau lòng, khóc hết nước mắt cho con như bố liệt sĩ Xanh đã khóc? Chắc chắn là nhiều vô kể!

Chiến sĩ trẻ chúng tôi, năm nào vào ngày 14/3 cũng thề nguyện với các anh một lòng son sắc, thề sẽ bảo vệ đến cùng từng tấc đất của ông cha
           Mỗi lần gió rít lên, sóng vỗ vào đảo dữ dội, đứng bên này là đảo Len Đao, nhìn sang phía kia là Gạc Ma – nơi Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép của nước Việt Nam; và cũng là nơi máu của 64 chiến sĩ của đất nước ta đã đổ xuống mà lòng bùi ngùi. Những người lính trẻ chúng tôi không thể nào quên “vòng tròn bất tử”, càng không thể quên hình ảnh Trung Quốc vô nhân đạo, ra tay tàn sát, bắn chìm 2 tàu HQ-604; HQ-605 của Việt Nam để chiếm đảo.

Anh lính hải quân đang quan sát, theo dõi hành động của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma (Ảnh Hồng Chuyên)
         Chiến sĩ trẻ chúng tôi, năm nào vào ngày 14/3 cũng thề nguyện với các anh một lòng son sắc, thề sẽ bảo vệ đến cùng từng tấc đất của ông cha và những gì các anh đã đánh đổi bằng máu để bảo vệ chủ quyền cho dân tộc.
          Yêu lắm đảo Len Đao, yêu lắm vùng trời, vùng biển của Việt Nam!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét